"Có người hỏi Picasso : Tranh của ông sao tôi nhìn chẳng hiểu gì hết ?
Picasso hỏi lại : Thế ông nghe chim hót bao giờ chưa ?
- Rồi.
- Hay không ?
- Hay.
Picasso nhẹ nhàng hỏi lại : Vậy ông có hiểu không ?
Người khách im lặng".
Đọc giai thoại này, nhiều người thưởng ngoạn nghệ thuật có thể yên tâm : chỉ cần có cảm xúc để "cảm nhận" nghệ thuật, không cần lắm lý trí để "hiểu biết" nghệ thuật.
Quả thật, nghệ thuật thiên về cảm xúc. Người sáng tác cũng thiên về cảm xúc, người thưởng ngoạn cũng thiên về cảm xúc, và khi hai cảm xúc ấy trở thành mối "giao cảm", "đồng cảm" thì có thể hiểu được nhau mà không cần phải có thêm một lời giải thích nào nữa, đó là điều tuyệt diệu. Những người yêu nhau há chẳng thích chỉ cần "nhìn nhau không nói" mà có thể hiểu được nhau đó sao, nhưng không phải cặp đôi nào cũng đạt được điều đó !
Khoa học gia Albert Einstein nói rằng :
"Tư duy trực giác là một món quà tặng thiêng liêng và tư duy lý luận là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng".
Tư duy trực giác cần bản năng và cảm xúc bén nhạy, tư duy lý luận cần kiến thức và lý trí đầy đủ.
Con người, về mặt bản năng, mắt không tinh bằng chim ưng, mũi không thính bằng chó sói, linh cảm về lũ lụt không bén nhạy bằng loài kiến, linh cảm về động đất cũng không bén nhạy bằng muông thú ..., mà qua tiến trình phát triển văn minh thì một số bản năng lại ngày càng thui chột, được / bị thay thế bằng kiến thức.
Ngoài ra, cảm xúc cũng bị lệch lạc bởi những phong tục tập quán được / bị tạo ra bởi định kiến.
Như trong ví von về tiếng "chim hót" của Picasso, ở Việt Nam thì tiếng cú kêu bị coi là điềm gở vì chim cú bị coi là ma quỷ, ở phương Tây thì chim cú bị coi là biểu tượng của tà thuật hoặc được coi là biểu tượng của sự thông thái, ở Nhật Bản thì chim cú được coi là bùa may mắn để chào đón thần tài và vượt qua khó khăn ... vv ...
"Cà răng. căng tai" có thể đem lại cảm xúc đẹp ở chủng tộc này hay ở thời đại này nhưng lại không đẹp ở chủng tộc khác hay ở thời đại khác ...
Nhiều trường phái nghệ thuật, danh tác hội họa, họa sĩ ... bị vùi dập ở thời đại này nhưng lại được tôn vinh ở thời đại khác ...
Họa sĩ Tô Ngọc Vân nói :
"Một bức hội họa chân chính là một tác phẩm mang dấu vết tâm trạng của người đã sáng tạo ra nó, là cảnh vật thêm tâm hồn nghệ sĩ. Không là hình dung thản nhiên, lạnh nhạt của tạo vật, để thay tấm ảnh hay ghi chép hiện trạng khoa học. Phần hồn của tác phẩm không phơi trên tranh như hình một trái cây hay bóng dáng một cái nhà. Muốn hội được tất phải là người dễ cảm lại gặp lúc tâm thần thư thái lợi cho mỹ cảm. Những người đó hiếm, những lúc ấy hiếm, nên sự thưởng thức hoàn toàn một họa phẩm vẫn là việc hiếm".
Thưởng ngoạn nghệ thuật khó mà dễ, dễ mà khó.
Bởi vì, làm cách nào để trở lại bản năng và cảm xúc nguyên sơ, hay đạt được kiến thức và lý trí thuần khiết !
Lão Tử đề cao bản năng và cảm xúc :
"Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi.
Vô vi nhi vô bất vi, thủ thiên hạ thường dĩ vô sự. Cập kỳ hữu sự bất túc dĩ thủ thiên hạ".
Nghĩa là :
"Theo học ngày một thêm, theo Đạo ngày một bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.
Không làm mà không gì không làm, muốn được thiên hạ phải dùng vô vi. Dùng hữu vi không đủ để được thiên hạ".
Khổng Tử đề cao kiến thức và lý trí :
- "Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý".
Nghĩa là :
( Ngọc không mài thì không thành khí cụ, người không học thì không biết nghĩa lý ).
- "Sự tuy tiểu, bất tác, bất thành. Tử tuy hiền, bất giáo, bất minh".
Nghĩa là :
"Việc tuy nhỏ, không làm, không thành. Con tuy giỏi, không dạy, không nên".
Tư duy trực giác - bản năng - cảm xúc, tư duy lý luận - kiến thức - lý trí ...
Chẳng thể nào nói cho hết được !
Nguồn: fb Canh Le
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét