Kunst Und Poesie viết bằng
hai thứ tiếng Việt và Đức
Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana: Một số phong cách nổi bật
Như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, Ikebana đã trải qua nhiều phong cách khác nhau xuyên suốt các giai đoạn lịch sử của đất nước. Và do đó, các phong cách sắp xếp hoa trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana cũng ngày càng trở nên phát triển và đa dạng. Trong phần này, Dalat Hasfarm sẽ giới thiệu cùng bạn về một vài phong cách Ikebana nổi bật nhất.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana: Phong cách Rikka
Ra đời vào thời Muromachi trong thế kỷ 15, Rikka được xem như là nền tảng của Ikebana. Những phong cách khác cũng dựa vào phong cách Rikka mà phát triển. Có thể nói, Rikka là một trong những phong cách cổ xưa nhất và thường được xem là chính thống nhất trong hầu hết các phong cách Ikebana.
Rikka Shofutai
Cắm hoa theo phong cách Rikka cổ điển (Rikka Shofutai) phải tuân thủ những quy định cực kỳ nghiêm ngặt, nhất là về hình thức sắp xếp tổng thể. Sử dụng các kỹ thuật đặc biệt như dây chằng, Rikka thường có chín thân trung tâm được gọi là Yakueda.
Bình hoa cắm theo trường phái Rikka. Ảnh: Ikenobo
Bình cắm hoa theo phong cách Rikka shofutai thường có chiều cao từ 20 đến 30cm. Trong đó, mỗi Yakueda sẽ có một chức năng cụ thể, và điểm xuất phát từ một đường tưởng tượng chạy qua trung tâm của bình hoa. Chiều dài, vị trí và độ dài của mỗi Yakueda sẽ phụ họa và hỗ trợ các Yakueda khác để tạo nên một sự sắp xếp hài hòa về mặt tổng thể.
Trong một bình hoa Rikka shofutai mẫu mực, các thân cây phải đạt được hiệu ứng hình ảnh của một đường thẳng đứng rõ ràng và đơn nhất mọc lên từ trung tâm của Kenzan – vòng nẹp cố định các thân. Hiệu ứng này được gọi là Mizugiwa, dịch ra có nghĩa là “mép nước”.
Rikka Shimputai
Đến năm 1999, phong cách Rikka Shimputai hiện đại ra đời, cho phép người cắm thoát khỏi khuôn khổ nghiêm ngặt của Rikka shofutai để sáng tạo hơn. Thay vì chín chủ thể, cách cắm shimputai dựa trên hai phần tương phản của màu sắc, kết cấu hay vật liệu trong một chiếc bình duy nhất. Cách cắm hoa hiện đại này được tiếp nhận và ưa chuộng bởi hình dáng nổi bật, tươi sáng.
Bình hoa cắm theo phong cách Rikka Shimputai. Ảnh: Lusy Wahyudi
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana: Phong cách cắm hoa Shoka
Phong cách cắm hoa Shoka trông có vẻ giản đơn nhất nhưng trên thực tế lại khó nhất trong tất cả phong cách cắm hoa nghệ thuật Ikebana. Shoka nhấn mạnh năng lượng sống của thực vật và ca ngợi vẻ đẹp của vật liệu tự nhiên.
Để làm chủ Shoka, người cắm hoa cần phải có sự am hiểu sâu sắc về quá trình sinh trưởng trong tự nhiên của thực vật, chẳng hạn như môi trường và đặc điểm của chúng.
Một tác phẩm cắm theo phong cách Shoka. Ảnh: Ikenobo
Trong phong cách Shoka, người cắm hoa sẽ xét đến một yếu tố mà tiếng Nhật gọi là “Shussho” (tạm dịch là “gốc gác”) hoặc những đặc tính cụ thể của một loài thực vật để xác định bố cục.
Với phong cách này, bình hoa không chỉ là một vật chứa đựng mà nó còn tượng trưng cho nguồn gốc của sự sống. Bình hoa thường có dạng đối xứng và miệng rộng. Bình nghiêng và hẹp hơn cũng được ưa chuộng trong phong cách này.
Phong cách cắm hoa Shoka Shimputai. Ảnh: Lusy Wahyudy
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana: Phong cách cắm hoa Moribana
Là phong cách Ikebana đơn giản nhất nên Moribana đặc biệt phù hợp với người mới bắt đầu. Nghĩa đen của Moribana là “chất đống hoa” nên hoa cắm theo phong cách này thường to khối, có thể quan sát và thưởng thức từ cả ba phía.
Bình hoa Moribana thường rộng miệng và nông hơn so với các loại bình sử dụng cho những phong cách khác. Ba Yakueda trong Moribana được gọi là Shin – Soe – Tai (Thiên – Địa – Nhân).
Người cắm hoa có thể tạo ra phong cách Moribana riêng của mình với các kiểu phụ như thẳng đứng, xiên hoặc nối tầng để cho ra các hiệu ứng độc đáo, hoặc tùy nghi lựa chọn những hình dạng khác biệt về tổng thể.
Tác phẩm cắm theo phong cách Moribana. Ảnh: Meighan
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana: Phong cách Nageire
Phong cách này còn được gọi là Heika hoặc Nageirebana. Nageire rất giống với Moribana, cũng là phong cách cắm hoa đề cao vẻ đẹp của tự nhiên. Hoa theo phong cách này thường để cuống dài, được cắm trong các bình cao và hẹp nên không cần dùng Kenzan. Bản chất của sự phóng khoáng này xuất phát từ truyền thuyết về một Samurai đã ném hoa vào miệng bình. Sự sắp xếp ngẫu nhiên đó đã sinh ra Nageire, nghĩa là “ném vào”.
Nageire thường có hình dạng nghiêng thanh nhã và cũng được hình thành bởi ba Yakueda chính là Shin – Soe – Tai. Mỗi thân tuân theo một công thức đo lường riêng.
Mặc dù Nageire cơ bản có dạng nghiêng nhưng nhiều học viên cao cấp vẫn sử dụng các kiểu phụ như thẳng đứng, xiên hoặc nối tầng giống Moribana.
Tác phẩm cắm theo phong cách Nageire. Ảnh: Ligia Miranda
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana: Phong cách Freestyle (tự do)
Là phong cách được phát triển gần đây và ít bị ràng buộc nhất trong các phong cách cắm hoa nghệ thuật Ikebana. Freestyle đề cao sự tự do biểu hiện và sáng tạo cá nhân, cho phép người cắm tùy nghi lựa chọn chủng loại vật liệu, thậm chí cả các loại phi thực vật. Những vật liệu thường được người cắm hoa theo phong cách Freestyle sử dụng là giấy thủ công và thực vật khô. Freestyle sử dụng rất nhiều loại kỹ thuật, từ hệ thống dây chằng cho đến thay đổi hình dạng lá bằng cách cắt tỉa.
Mặc dù là phong cách tự do nhưng người cắm vẫn phải xét đến các yếu tố như hình dạng, cấu trúc, diện tích bề mặt, tiêu điểm và khối lượng của vật liệu sử dụng.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana theo phong cách tự do. Ảnh: Ikenobo
Hy vọng với những chia sẻ của chúng tôi, bạn sẽ hiểu thêm phần nào về nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Từ đó, thêm tự tin thổi hồn vào những bông hoa. Để chọn những loại hoa tươi đẹp, tinh tế để thực hiện tác phẩm của mình, hãy ghé cửa hàng Dalat Hasfarm gần nhất để chọn mua nhé.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana: Nguồn gốc và lịch sử
Giới thiệu về nghệ thuật cắm hoa Ikebana
Ikebana trong tiếng Nhật vốn bắt nguồn từ hai chữ “Ikeru” (sống) và “Hana” (hoa), có ý nghĩa “truyền sinh khí cho hoa” hay còn gọi là “hoa đạo”. Với cái tên đẹp như vậy, Ikebana không chỉ đơn thuần là nghệ thuật cắm hoa mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt tinh thần, đạo đức và xã hội.
Vì Ikebana đòi hỏi về mặt tinh thần cũng nhiều như sự tinh tế về tính thẩm mỹ, nên người cắm hoa phải thật toàn tâm toàn ý thì mới có thể bày tỏ lòng trân quý sâu sắc của mình đối với vẻ đẹp của tự nhiên. Chính vì vậy, Ikebana không chỉ là một hình thức nghệ thuật có thể tự do thể hiện mà còn là một trong những phương pháp rèn luyện tính cách thanh lịch và phong nhã.
Ikebana đòi hỏi về mặt tinh thần cũng nhiều như sự tinh tế về tính thẩm mỹ. Ảnh: Gingertail
Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, Ikebana vẫn cho phép sự tự do sáng tạo và thể hiện nhưng vẫn phải tuân theo những ràng buộc về nguyên tắc và hình thức vốn bắt nguồn từ một truyền thống lịch sử lâu dài. Chính nhờ sự lưu truyền của những quy tắc và giới hạn này mà người cắm hoa Ikebana ngày nay cần phải nỗ lực thêm rất nhiều thì mới có thể “đắc đạo” Ikeabana.
Nguồn gốc và lịch sử
Ikebana vốn bắt nguồn từ phong tục dâng hoa cho bàn thờ Phật ở Nhật Bản. Khi du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc đại lục khoảng năm 538, Phật giáo đã nhanh chóng được tiếp nhận trong mọi lĩnh vực đời sống, từ hệ thống niềm tin cho đến lối sống, văn hóa nghệ thuật.
Trong thế kỷ 13 và 14, khi Phật giáo đã lan truyền rộng rãi ở Nhật thì việc xây một hốc tường kiến trúc trong nhà để phục vụ việc thờ cúng đã trở nên phổ biến. Những hốc tường này, gọi là Tokonoma, ban đầu được dùng để treo hình tượng Phật và đặt hoa cúng.
Tuy nhiên, theo thời gian, Tokonoma ngày càng ít liên quan đến tôn giáo và bắt đầu mang tính trang trí nhiều hơn. Tranh vẽ, cuộn thư pháp và đồ cổ dần dần thay thế cho các hình tượng Phật và chiếm lĩnh Tokonoma. Cuối cùng việc cắm hoa trong hốc tường đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật và mất dần liên kết với tôn giáo ban đầu của mình.
Tokonoma – nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật ở Nhật. Ảnh: TANAKA Juuyoh (田中十洋)
Lúc bấy giờ, Tokonoma bắt đầu được xem là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và đóng vai trò là “trung tâm của ngôi nhà”. Nét quyến rũ của hoa cắm trong Tokonoma theo từng mùa cũng dần được gia chủ quan tâm và chăm chút nhiều hơn, với mục đích thu hút sự ngưỡng mộ của khách đến thăm nhà.
Thực hành Ikebana
Khác với nghệ thuật cắm hoa phương Tây, Ikebana không đặt trọng tâm vào việc thu thập và sắp xếp hoa nhiều màu sắc, mà thay vào đó là những bộ phận ít dùng đến như thân, cành và lá. Ikebana đề cao hình dáng tổng thể, đường nét và hình thức sắp xếp.
Thẩm mỹ tối giản cũng thường được áp dụng trong Ikebana. Đây là phương thức dùng một số lượng hoa tối thiểu để tạo ra những thiết kế đơn giản mà thanh lịch. Theo hình học tam giác, cắm hoa Ikebana thường có ba điểm chính, tượng trưng cho Trời – Đất – Người hoặc Mặt trời – Mặt trăng – Trái đất.
Ikebana đề cao hình dáng tổng thể, đường nét và hình thức sắp xếp. Ảnh: Gingertail
Vì Ikebana bao gồm cả khía cạnh tinh thần nên các học viên Ikebana được yêu cầu phải giữ im lặng trong khi cắm hoa. Sự im lặng có thể giúp người cắm nhận thức sâu sắc hơn những nét đẹp của tự nhiên mà thường bị bỏ qua trong cuộc sống hối hả và bận rộn.
Thông qua Ikebana, con người cũng cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên và học cách trở nên kiên nhẫn, khoan dung với những ý kiến khác biệt. Ngoài ra, Ikebana còn được xem như là một cách để thư giãn trí óc, cơ thể và tâm hồn.
Người cắm hoa Ikebana được yêu cầu phải giữ im lặng trong khi cắm. Ảnh: Asha Komarovskaya
Bài gốc: Nguyên Giang – Kilala.vn
Ảnh: Flicker
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét