Kunst Und Poesie viết bằng hai thứ tiếng Việt và Đức

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

BẠN XƯA





Ngày ấy nhà Mi nghèo lắm, chị em Mi chưa bị đói bữa nào. mỗi lần nhớ lại những bữa cơm thức ăn chỉ có tóp mỡ tẩm muối là Mi vẫn thấy nao nao trong lòng.Hùng ngày ấy hơn Mi 2 tuổi, nhưng anh chơi với Mi rất thân. Anh học kém nên vẫn học chung lớp với Mi. Nhà gần nhau nên Mi biết Hùng không thể học nổi bài, bởi mỗi khi bố anh say rượu lại đánh đập mẹ anh. Ông hay ghen bóng gió, mỗi lần ghen lại về đánh mẹ. Hùng hay khóc thầm và hay bênh mẹ, vì thế anh hay phải hứng đòn thay mẹ – những trận đòn đau đớn làm cả mẹ và anh thâm tím bao nhiêu ngày, có lần anh còn không đi lại nổi.Mỗi lần nhìn thấy anh bị đánh tím mặt Mi thường xoa đôi bàn tay bé nhỏ đặt khẽ nên vết đau của anh. Mi thổi nhè nhẹ và nói: “Rồi nó sẽ lành, nó sẽ nhanh lành”. Mi thương anh Hùng lắm, thường để dành cho anh những cái kẹo nhỏ mỗi khi được mẹ cho.
Nhà anh Hùng nghèo, có những hôm anh đói lắm bèn rủ Mi chơi trò làm cha mẹ. Anh đóng vai bố đi làm và mua cá mang về cho Mi nấu (những con cá bé tí anh bắt ở con lạch sau ruộng rau của làng). Mi nấu những con cá nhỏ nhoi trong cái nồi đồ chơi, nhưng vì trời lạnh nên cũng phải rất lâu sau cá mới chín. Anh đưa Mi ăn thử, nhưng Mi không ăn nổi những con cá đó vì nó nhàn nhạt và lờ lợ tanh. Nhưng anh thì vô tư ăn rất ngon. Anh bảo:” Mi là vợ ngoan của anh, anh sẽ không bao giờ đánh Mi”.



Mùa hè, rặng duối ven chùa chín vàng mọng một màu mời mọc. Anh rủ Mi đi hái về làm thức ăn. Rồi những trái nhãn non, những quả xoài xanh Mi cũng được… thưởng thức. Mi thương anh nhất là vào mùa đông anh chỉ phong phanh manh áo bộ đội cũ sờn, bị những cơn đói hành hạ mà cứ phải ngồi chờ trước cửa nhà đợi Mi ăn cơm xong.
Anh vẫn hay hỏi bài Mi. Anh bảo anh không hiểu được lời cô giáo nên nhờ Mi dạy giùm. Nhưng Mi biết anh không học nổi vì đêm đêm bố mẹ anh cãi nhau, đánh nhau và anh thì lặng lẽ buồn khóc. Sáng ra đi học vừa lạnh, vừa đói, hoa cả mắt, nhìn chữ trên bảng cũng không rõ thì… học thế nào! Bố của Mi biết anh đói, đôi khi bố gọi anh vào ăn cơm, nhưng đó cũng chỉ là đôi khi mà thôi bởi bố mẹ Mi cũng phải chạy ăn từng ngày cho chị em Mi.Năm tháng cứ thế trôi đi. Những cơn đói triển miên làm anh mãi không lớn nổi. Trong tâm trí Mi nhớ thì anh chỉ cao hơn Mi có tí xíu thôi. Mi vẫn giúp anh học bài, anh vẫn trèo cây nhãn, cây sấu cao vút để hái cho Mi và cho anh ăn – những trái cây tốn sức nhưng không mất tiền.
Một buổi tối anh gọi Mi ra sân đưa cho mấy quả chuối bảo: „Ăn đi, ngon lắm“.
Mi ăn xong mới hỏi xem hôm nay nhà anh làm gì mà có chuối ăn? Anh cười bảo lấy trộm ở một cái Đền gần đó. Mi hốt hoảng bảo lấy trộm là có tội, lần sau anh không được đưa cho Mi những thứ ăn trộm. Anh vô tư giải thích nhưng Mi nhất định không ăn tiếp. Anh giận dữ mắng Mi ngu ngốc rồi bỏ đi. Lần đó anh và Mi giận nhau rất lâu. Anh vẫn qua chơi nhưng không hay rủ Mi đi lang thang nữa. Và Mi biết đôi khi anh vẫn lấy trộm hoa quả, đồ ăn của nhà ai đó để chống những cơn đói hành hạ. Mi vẫn giúp anh học bài vẫn khuyên anh đừng lấy đồ của người khác. Nhưng anh đang tuổi ăn, tuổi lớn và đói quá nên không thể nghe lời Mi được. Cho đến một hôm, những người lính lái xe đóng quân gần đó rình rập, và bắt được anh chui rào vào trộm buồng chuối. Họ vây lấy anh , đánh thừa sống thiếu chết , rồi sau đó vứt anh ra đường.
Sáng hôm sau nghe những người đi chợ sớm kháo chuyện Mi mới biết và chạy ngay sang nhà anh. Bố mẹ anh đã đi làm. Anh đang nằm, thấy động thì chậm chạp quay ra nhìn. Thấy Mi anh mếu máo cười. Toàn thân anh bầm tím. Mặt mũi sưng húp. Mi nhìn anh òa khóc.” Ôi, anh bị đòn đau quá”. Bàn tay Mi bé quá không biết đặt vào đâu để cho anh bớt đau. Anh cười bảo Mi đừng lo, anh quen chịu đòn rồi. Rồi mai kia anh sẽ khỏi, anh lại đi học với Mi.
Hôm sau anh Hùng bị sốt và mê sảng, mẹ anh phải nghỉ làm đưa anh đi bệnh viện. Anh đi bệnh viện mãi không thấy về. Mi hàng ngày cứ chạy sang nhà anh hỏi thăm mẹ anh xem bao giờ anh về. Cho đến khi mẹ anh nức nở báo tin cho bố Mi biết là anh đã mãi ra đi bởi trận đòn hôm trước của mấy người lính lái xe đóng gần đó đã làm anh bị nội thương rất nặng, không bác sĩ nào có thể cứu được.
Mi òa khóc và không tin nổi là anh Hùng đã chết. Anh đã hứa sớm khỏe để về đi học cùng Mi.
Rất lâu sau đó, mỗi mùa hè về rặng duối ven chùa trĩu quả vàng mọng mời gọi, nhưng Mi không bao giờ ăn duối nữa, bởi mỗi lần dừng bên rặng duối Mi lại nhớ người bạn thuở hàn vi, cảm thấy anh Hùng đang đánh đu trên đó, một tay bám cành duối, cánh tay khẳng khiu kia vươn ra bứt từng chùm duối thả xuống vạt áo Mi

02.04.2013 ( viết cho một thời đã qua TV)



Chào tác giả! Khi đọc bài viết của tác giả đã làm cho tôi sống lại hồi ức tuổi thơ tôi. Cái hồi ức chỉ những người sống ở thời kì bao cấp mới hiểu rõ và nếm trải. Tôi cũng sinh ra và lớn lên trong thời kì gạo phải phán phối, thịt cá phải có tem phiêu mới được mua có khi cả tháng mới nhìn thấy miếng thịt , quần áo chỉ có mỗi bộ duy nhất mặc đến trường, cơm mà được ấm bụng chắc hiếm hoi, chưa kể những hôm phải nhịn đói cắp sách tới trường, ngồi trong lớp bụng cứ réo ầm…. đói khổ như vậy nhưng trẻ con đâu quan tâm, vẫn nô đùa và vui chơi quên cả đói… Đọc bài viết của tác giả làm cho tôi rất cảm động, những tình cảm với những trò nghịch của trẻ thơ, tấm lòng, sự chia sẻ của tình bạn và sự ngây thơ trong sáng, những kỉ niệm của tuổi thơ chắc sẽ mãi in đậm trong kí ức mỗi người. Hy vọng anh Hùng trong truyện ngắn bạn thân của cô bé My xang thế giới bên kia lúc nào cũng được no đủ…. Một lần nữa mong tác giả sáng tác được nhiều mẩu chuyện hay về thơ ấu, để cho mỗi chúng ta không bao giờ quên tuổi thơ của mình…..
  • Tuổi thơ của chúng ta đôi khi tưởng chừng như chưa bao giờ trôi qua vậy, chúng chỉ dừng chân nghỉ ngơi đâu đó nơi căn phòng trong ngôi nhà tâm hồn của mỗi chúng ta. Và chúng lại hồn nhiên nở những nụ cười , cất tiếng reo vui trong giây lát khi ta mở cánh cửa căn phòng ấy. Sự hồn nhiên tồn tại trong nghèo đói cơ hàn cùng những bất công ngày ấy thật mãnh liệt biết bao có phải không ạ. Đôi khi tôi vẫn nhớ lắm những ngày thơ ấu, những ngày đòi hoa mắt và cả những buổi trưa hè đầy màu phượng đỏ rộn rã tiếng ve
    Cảm ơn bạn đã đọc và đồng cảm cùng tôi, chúc bạn một mùa xuân đẹp và an vui

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét